Nhiều năm trước đây, Disney và Pixar nắm vị thế độc tôn trong làng phim hoạt hình. Hàng triệu trẻ em toàn cầu lớn lên với những tác phẩm của “nhà chuột”. Hãng cũng liên tục tung hoành tại giải Oscar nhiều năm liên tiếp. Thế nhưng, vị thế đó giờ đây dần bị lung lay với sự trỗi dậy của nhà DreamWorks. Và The Wild Robot (Tựa Việt: Robot Hoang Dã) là tác phẩm đủ sức lật đổ Disney.
Robot Hoang Dã lấy bối cảnh tương lai khi nhân loại phát triển nhiều công nghệ hiện đại. Một cơn bão quét qua khiến sáu robot Universal Dynamics mất tích. ROZZUM Unit 7134 hay Roz (Lupita Nyong'o) là người máy duy nhất sống sót sau khi trôi dạt đến một hòn đảo không có người sinh sống. Hệ thống của cô bắt đầu học tập theo các sinh vật nơi đây. Roz thậm chí còn nhận nuôi một chú ngỗng tên Brightbill (Kit Connor). Thế nhưng, nhà máy từng sản xuất ra cô đã tìm đến và muốn phá hủy vùng đất này.
Đối với phim hoạt hình, hình ảnh đóng vai trò tối quan trọng khi đánh thẳng vào trải nghiệm của khán giả. Và Robot Hoang Dã đã hoàn thành không thể xuất sắc hơn vai trò của mình. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi cùng tên của Peter Brown. Sau khi đọc xong tác phẩm gốc, đạo diễn Chris Sanders chợt nhận ra tông màu ngây thơ và bối cảnh thiên nhiên của câu chuyện đòi hỏi một cái nhìn khác xa với CGI siêu thực trong nhiều bộ phim hoạt hình hiện đại.
Nhóm sản xuất đã sử dụng công nghệ mới trong hai tác phẩm trước đây của DreamWorks là Puss in Boots: The Last Wish và The Bad Guys năm 2022 để tạo ra Robot Hoang Dã. Các nhân vật tạo thành từ các hình dạng hình học CGI rồi được các họa sĩ vẽ tay toàn bộ. Phong cách hội họa này đã được đưa vào mọi yếu tố hình ảnh trong phim, bao gồm cả bầu trời và môi trường.
Nhà làm phim nhấn mạnh nguồn cảm hứng từ chính các bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney và Hayao Miyazaki. Khi xem Robot Hoang Dã, không khó để nhận ra hình ảnh thành phố hiện đại đủ loại máy móc giống Big Hero 6 (2014), khu rừng đậm chất Bambi (1942). Khán giả sẽ còn nhận ra những màu sắc, hình ảnh hay bầu không khí quen thuộc từ Princess Mononoke (1997), Spirited Away (2001) hay The Boy and the Heron (2023).
Kết quả là ta có một bộ phim với phần màu nước đặc trưng đầy hoài niệm. Từng khung hình đều như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Mỗi cành cây, bụi cỏ, thác nước, con phố… được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất, thậm chí kể cả những thứ khán giả khó lòng để ý đến. Hành động của các loài động vật khác nhau đều vô cùng mượt mà, kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản chất của chúng trong tự nhiên và yếu tố nhân hóa. Từng cọng lông đều như chuyển động theo từng bước chân hay cơn gió nhẹ thổi qua.
Phần âm nhạc cũng là một thứ khiến Robot Hoang Dã ăn điểm. Ê-kíp khéo léo chọn những giai điệu phù hợp và cất lên đúng lúc để đẩy cảm xúc lên cao trào. Dù là đang tận hưởng bối cảnh, hạnh phúc với sự sum vầy, đau buồn vì chia ly mất mát thì mỗi giây phút đều trọn vẹn.
Trên thực tế, kịch bản của Robot Hoang Dã không mới. Người xem có thể dễ dàng nhận ra mô-típ này trong The Iron Giant (1999) hay siêu phẩm Avatar (2009). Song, cách DreamWorks tạo nên những yếu tố hài hước và cảm xúc lại giúp phim trở nên dễ tiếp cận, lôi cuốn với cả người lớn lẫn trẻ em.
Roz được lập trình để mô phỏng hành vi con người nhằm giúp đỡ họ. Nhưng hòn đảo lại chỉ có các động vật hoang dã. Thế là hệ thống của Roz đành phải học theo chúng. Từ đây mà nhiều tình huống bi hài ập đến bởi sự ngây ngô của cô nàng người máy trước những tập tính thú vị và độc đáo của động vật hoang dã. Không những thế, phim còn cài cắm hàng loạt câu thoại, tình huống đùa cợt “đen tối” mà chỉ người lớn mới có thể hiểu được.
Cách mà Roz và cáo Fink (Pedro Pascal) chăm sóc cho Brightbill cũng mang đến nhiều tiếng cười sảng khoái. Sự đáng yêu của chú ngỗng đối nghịch với thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt hay cách nuôi nấng ngây ngô của Roz luôn đi ngược với tính “cục súc” của Fink. Nhiều khoảnh khắc đáng yêu, biểu cảm cho đến cử chỉ đều dễ thương của cặp mẹ con này khiến người xem “xỉu lên xỉu xuống” vì quá ngọt.
Song song với đó, Robot Hoang Dã vẫn cho thấy được cái chết và mất mát luôn đi cùng với sự sống. Sự trưởng thành của Brightbill, mâu thuẫn giữa anh chàng và Roz, cuộc chiến sinh tồn tàn nhẫn của các loài động vật để lại nhiều phân đoạn cảm xúc. Khán giả có thể vừa cười nhưng cũng vừa bật khóc chỉ vài phút sau đó. Thế nhưng, sự mất mát trong phim được làm khá nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận chứ không nặng nề, bi thương.
Dàn nhân vật phụ trong Robot Hoang Dã mang đủ màu sắc và cá tính khác nhau. Cáo Fink tinh ranh, tính dựa vào Roz để được “bảo kê” nhưng rồi bắt đầu yêu thương cô nàng người máy và Brightbill. Ngỗng Longneck (Bill Nighy), chim ưng Thunderbolt (Ving Rhames) cục tính nhưng giàu lòng nhân ái, hải ly Paddler (Matt Berry) nhây nhớt hay Pinktail (Catherine O'Hara) hiền dịu như tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Song, việc có quá nhiều nhân vật khiến phim đôi khi bị loãng và gây rối cho người xem.
Hình ảnh, âm thanh đỉnh cao, câu chuyện lôi cuốn nhưng thứ khiến Robot Hoang Dã ghi dấu ấn lâu trong lòng người xem lại chính là các bài học ý nghĩa. Dễ nhận thấy nhất chính là thông điệp về môi trường. Thông qua hành trình của Roz, người xem được chứng kiến những gì đẹp và hoang sơ nhất của thiên nhiên. Cuộc sống, tập tính của mỗi loài động vật đều đáng trân trọng. Chúng cũng có gia đình, cũng có cha mẹ hay những đứa con để chăm sóc.
Ở đó, mọi thứ từ lớn đến bé đều cố gắng sinh tồn, kiếm ăn hằng ngày. Trái ngược với sự bình yên, đẹp đẽ và nhộn nhịp của hòn đảo hoang, thành phố mà Roz xuất thân lại tràn ngập công nghệ nhưng buồn tẻ và lạnh lẽo. Phim lên án những hành động tàn phá môi trường, bỏ mặc thiên nhiên như cách Universal Dynamics sẵn sàng tàn phá tất cả chỉ để bắt Roz về.
Bên cạnh đó, hành trình của nàng người máy còn mang đậm dấu ấn tình mẫu tử. Một lần nữa, câu thoại của Dong Il (Sung Dong Il) trong Reply 1988 (2015) được gợi nhắc khi Roz nói rằng cô không được lập trình làm mẹ, nhưng ai sinh ra đã là mẹ kia chứ? Cũng giống như con người, Roz phải học từng chút một, từ cáo Fink, từ Pinktail, từ mọi thứ để chăm sóc cho cậu nhóc Brightbill bé nhỏ. Để rồi khi cậu lớn lên, cả hai cũng có những khác biệt, hiểu lầm rồi lại yêu thương nhau như bao gia đình khác.
Cũng trong quá trình trở thành mẹ, sự ngây ngô giúp Roz học được sự tử tế và nhân hậu. Dù thiên nhiên có khắc nghiệt ra sao, dù cuộc sống có nghịch cảnh thế nào thì chúng ta cũng không được đánh rơi sự tử tế và bao dung. Có lẽ, chỉ có tâm trí non nớt của một robot như Roz mới nhận ra được thứ bé nhỏ thần kỳ ấy thay vì đầu óc toan tính của con người.
Đặt Vé